Cây bún là cây cổ sinh, thuộc chi Crateva, họ Cáp (Capparaceae), còn gọi là bạch hoa, màn màn; dân gian còn gọi là cần sen, mai hạ,... Trên thế giới, cây có nguồn gốc ở Nhật Bản, Australia, được tìm thấy nhiều tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, quần đảo Nam Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, cây bún mọc tự nhiên ở nhiều tỉnh trên khắp ba miền đất nước như Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Kiên Giang,... Ở Hà Nội, cây bún với tuổi đời ước chừng khoảng 300 tuổi ngõ 179 Đình Thôn, Mỹ Đình được nhiều người biết đến và xem là báu vật của làng.
1. Về đặc điểm sinh thái:
Bún là cây rụng lá theo mùa có kích thước vừa phải, chiều cao đến 20m. Cây phát triển tốt trong ánh nắng mặt trời hoặc bóng râm một phần và thường thích đất ẩm, màu mỡ, trung tính. Vỏ cây có màu xám, gỗ có màu vàng trắng, chuyển sang màu nâu nhạt khi già. Lá có ba chẽ (nên trong tiếng Anh còn gọi là cây three leaved capper), có hình trứng hoặc hình thuôn tròn. Cây thường nở hoa vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 Dương lịch, cánh hoa có màu trắng đến trắng sữa, chuyển vàng trước khi rụng. Trái bún dạng quả mọng, thường có hình tròn hoặc hình trứng với đường kính từ 2 đến 5 cm. Quả có vỏ cứng khi xanh và chuyển sang màu xám hoặc đỏ khi chín và có mùi vị khác nhau tuỳ loại. Hạt nằm trong thịt quả màu vàng và có vỏ cứng, hình thận.
2. Giá trị tôn vinh Tam Bảo:
Hoa bún khi nở như một đám mây hoa nên pháp dâng hoa này như trong kinh nói: “Nếu dùng một đóa hoa rải trong hư không cúng dường chư Phật mười phương, sẽ được dứt trừ đau khổ, phước báu vô tận”.
Một Phật tử đã 20 năm thân cận, làm các việc lành theo đại lão hoà thượng Thích Phổ Tuệ, đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thỉnh bạch cụ về màu hoa và nhận được lời dạy: “Màu vàng để cúng dàng Phật Dược Sư ở thế giới phương Đông. Màu trắng để cúng dàng Phật A Di Đà ở thế giới phương Tây”.
Như vậy, cây rất có ý nghĩa để tôn vinh Tam Bảo. Mùi thơm thoang thoảng của hoa bún đang nở khiến con người trở nên tỉnh thức, cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng. Mỗi khi nhìn thấy hoa, chúng ta liền nghĩ tới cần gieo nhân lành để nhận quả lành vì cây cối thường đơm hoa trước và kết quả sau. Hoa tượng trưng cho sự tu nhân của Bồ Tát với Lục độ vạn hạnh. Cây bún cùng với hoa sen là những loài thực vật khi nở hoa thường cùng với ra quả, là biểu trưng cho nhân quả đồng thời.
3. Kính lễ các bậc đáng kính:
Trong kinh Đại Phúc Đức, Phật có dạy: “Tôn kính bậc đáng kính là phúc đức tối thượng”. Chùm hoa bún tròn đầy, mùi thơm thoang thoảng và hướng lên trên nên là biểu pháp cho hạnh Lễ kính chư Phật. Tên khoa học của cây là Crateva religiosa cho thấy cây gắn liền với những nơi thờ cúng. Tại Ấn Độ, cây được gọi là cây linh thiêng (sacred garlic pear), được dùng để thờ thần Silva. Ở HongKong, (Trung Quốc), cây bún được thấy trồng ở trước một số nhà thờ. Tại Việt Nam, cây cũng gắn liền với những đình, miếu như: Đình Hà Trì ở Hà Đông, Hà Nội; Đại Phúc thần miếu ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình; tháp Nhạn ở Tuy Hoà, Phú Yên,.... Như vậy, cây bún được nhân dân trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng được trồng tại các chùa, nhà thờ, đình, miếu,... với tâm thành kính lễ các bậc đáng kính.
4. Cây đại cảnh quan và là vị thuốc quý:
Cây bún còn là cây đại cảnh quan, giúp cải tạo môi trường nên còn được trồng tại các đô thị lớn. Cây có dược tính cao theo các tài liệu y học cổ truyền và được khẳng định bởi các nghiên cứu khoa học hiện đại với một số chất điển hình như: alkaloids, terpenoids, lupeol, flavonoids, glycosides, saponins, steroids và phenols. Trên thế giới, cây bún được dùng như chất lợi tiểu, nhuận tràng, điều trị rối loạn về đường tiết niệu như sỏi thận, sỏi bàng quang, kháng nọc độc rắn, côn trùng cắn. Theo y học cổ truyền Việt Nam, cây bún có hiệu quả trong việc hỗ trợ sức khỏe như: cầm máu, viêm xoang, bệnh trĩ, xương khớp, viêm loét dạ dày, đại tràng, tai biến mạch máu não, một số bệnh ung thư,... Một số thầy thuốc với nhiều năm kinh nghiệm sử dụng cây bún chữa bệnh như: Bác Nông Tiến Lợi, chủ tịch Hội đông y huyện Na Rì, Bắc Kạn; bác Lê Văn Làm (Út Làm) ở Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh; thầy Vũ thuốc Nam ở Tịnh Biên, An Giang,...
5. Kết duyên, ươm trồng, nhân giống cây hoa bún:
Nhận thức được ý nghĩa, giá trị của cây bún và lời dạy của người xưa: “Trồng cây, đào giếng, làm đường/ Trong ba việc ấy thập phương nên làm”, từ năm 2023 nhóm Kết duyên trồng cây hoa bún đã hình thành. Đến nay, đã trồng khoảng hơn 1.500 cây tại trên 20 tỉnh, thành trên cả nước. Nhóm đã tổ chức dâng cây báo ân Phật, Tổ chùa Viên Minh, Phú Xuyên, Hà Nội; cúng dàng Tam Bảo ở Thiền viện Sùng Phúc, Long Biên, chùa Kim Tiên ở Hà Đông, chùa thôn Đông An, xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội; chùa Quỳnh Lâm, huyện Vụ Bản, Nam Định; chùa Phước Sa, Nhơn Trạch, Bình Định,... Đồng thời, đã dâng kính lễ thần Trống Đồng ở đền Đồng Cổ huyện Yên Định, Thanh Hoá; đền Hai Bà ở Hà Nội, đền Trần ở Lạng Sơn,... Đồng thời, chuyển tặng cho nhân dân địa phương để cùng nhau giữ gìn cây thuốc quý. Hiện nay, nhóm tiếp tục kết duyên và mở rộng việc trồng, nhân giống, trao tặng cây để tôn vinh Tam Bảo, kính lễ các bậc đáng kính và lợi ích cho mọi người, đặc biệt là làm thuốc giúp người bệnh khổ.